Do vị trí địa lý bất thường, răng khôn thường gây khó khăn trong quá trình phát triển và công tác vệ sinh nên gây ra vô vàn bệnh lý răng miệng nghiêm trọng. Người trưởng thành nên lưu ý đến những dấu hiệu mọc răng khôn như thế nào? Khi mọc răng khôn liệu có triệu chứng gì đặc biệt không? Nên hay không nên giữ lại chiếc răng khôn?
Răng khôn thường được gọi là răng hàm số 8, thường có xu hướng mọc khi chúng ta ở độ tuổi trưởng thành và toàn bộ răng đã được mọc đủ. Đó chính là lý do mà nhiều người thường xem răng khôn là kẻ dư thừa vì không những sinh sau đẻ muộn mà còn chẳng giữ bất kỳ vai trò nào trong răng hàm mặt của con người.
1. Các dấu hiệu mọc răng khôn mà bạn nên lưu ý
1.1 Nướu bị sưng và tấy đỏ
Dấu hiệu mọc răng khôn dễ nhận biết nhất là nướu thường có xu hướng sưng viêm và tấy đỏ. Chúng ta có thể tự kiểm tra bằng cảm giác của lưỡi hoặc quan sát qua gương. Ngoài ra, mô lợi của vùng răng số 8 bị sưng gây ra cảm giác đau đớn và khó chịu.
1.2 Dấu hiệu mọc răng khôn biểu hiện qua các cơn đau
Ngoài việc làm sưng nướu và tấy đỏ, răng khôn còn khiến cho chúng ta co cảm giác đau trong nướu và cả trong hàm. Trong thời gian đầu, bạn sẽ có các cơn đau nhẹ, dần căng tức và đau âm ỉ vùng nướu và hàm. Cảm giác đau sẽ càng dữ dội hơn vào ban đêm khi bạn ngủ hoặc do thói quen siết hàm.
1.3 Cấu trúc răng bị xô lệch
Đối với những chiếc răng khôn mọc lệch, vì thiếu diện tích vùng hàm nên chúng thường có xu hướng mọc xâm lấn các răng liền kề. Từ đó, trong quá trình phát triển răng khôn, nó có thể bắt đầu chen và đẩy các răng khác ra khỏi hàm. Nếu tình trạng răng mọc lệch nghiêm trọng, răng khôn sẽ khiến cho răng xô lệch sau một thời gian. Qua đó, xô lệch răng là một dấu hiệu mọc răng khôn nên lưu ý.
1.4 Gây đau đớn cho các vùng khác
Răng khôn bên cạnh việc gây đau đớn cho các vùng trong miệng như nướu và hàm thì còn gây đau đớn cho các vùng khác của cơ thể. Điều này thường xảy ra khi bạn có tình trạng răng khôn mọc lệch và ngầm vì vị trí chân răng khôn tiếp xúc nhiều với dây thần kinh trung ương nên dễ gây đau vùng đầu, tai, cổ hoặc gây khó khăn khi mở miệng.
2. Các trường hợp mọc răng khôn nên lưu ý
Không phải chiếc răng khôn nào mọc lên cũng làm nảy sinh các vấn đề vì răng khôn có ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng hay là không còn phụ thuộc rất nhiều vào xu hướng mọc. Do đó, căn cứ vào tình trạng mọc của răng khôn có thể giúp chúng ta quyết định là nên để lại hay nhổ bỏ chiếc răng khôn. Các trường hợp mọc răng khôn đáng chú ý là:
2.1 Răng khôn mọc lệch
Răng khôn trong trường hợp này thường mọc lệch theo các góc 45 và 90 độ. Khi đó, chân răng sẽ có xu hướng mọc đâm vào răng số 7 và gây ra các cơn đau nhức dữ dội. Nếu không đến nha khoa chữa trị kịp thời, trường hợp này dễ khiến cho răng số 7 bị xâm lấn và tổn thương, dần dẫn đến việc bị tiêu xương và mất răng, làm xô lệch cấu trúc hàm.
2.2 Răng khôn bị lợi trùm
Đây là trường hợp răng khôn bị phần lợi mọc bao trùm lên bề mặt. Trường hợp này dễ khiến cho chúng ta bị viêm đau và thường các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp cắt lợi trùm thay vì nhổ bỏ đi chiếc răng. Tuy nhiên việc cắt lợi trùm cũng tồn tại nhiều nguy cơ gây tổn thương dây thần kinh lưỡi, bị nhiễm trùng, chảy máu và vì thế nên cẩn thận khi lựa chọn liệu pháp này.
2.3 Răng khôn mọc ngầm
Răng khôn trong trường hợp này có xu hướng mọc ngầm hoàn toàn trong xương hàm. Trường hợp này thường không thể quan sát bằng mắt thường mà bạn phải đi khám ở nha khoa để quan sát bằng thiết bị. Đối với trường hợp này thì không phải nhất thiết phải nhổ bỏ, nhất là khi không có biến chứng gì đặc biệt vì răng khôn đó có thể nằm yên ổn trong xương hàm. Tuy nhiên để an tâm thì bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ vì có một số trường hợp răng khôn mọc ngầm gây nang hoặc u xương hàm.
2.4 Răng khôn mọc thẳng hàng
Có một số trường hợp may mắn là răng khôn có xu hướng mọc thẳng, hoàn toàn không gây ra bất cứ trở ngại hay biến chứng gì với các răng liền kề. Khi đó, răng số 8 mọc thẳng đều với hàm và không cần phải nhổ bỏ nếu không có bất cứ biến chứng nào. Bạn chỉ cần nhổ khi có nhu cầu niềng răng để kéo răng về phía sau.
3. Quá trình nhổ răng khôn chuyên nghiệp ở nha khoa
Thông thường các bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng mọc răng khôn và vùng lân cận để đưa ra quyết định là nên giữ lại hay nhổ bỏ răng khôn. Ngoại trừ trường hợp răng khôn mọc thẳng không gây bất cứ biến chứng nào, các trường hợp còn lại nên có sự can thiêp của các bác sĩ nhằm tránh các biến chứng nghiêm trọng. Do đó, việc nhổ bỏ răng khôn cùng nha khoa uy tín và chuyên nghiệp là yếu tố quan trọng với các quy trình:
3.1 Thăm khám và chẩn đoán
- Thăm khám khái quát lịch sử tình trạng răng miệng
- Kiểm tra tình trạng răng miệng hiện tại bao gồm răng, nướu và hàm
- Kiểm tra trực tiếp phần răng khôn trong hàm
- Chụp hình với thiết bị hiện đại như CT Cone beam, tia X để thăm khám toàn bộ phần xương hàm
3.2 Vệ sinh răng miệng và tiến hành gây tê
Các bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh sạch sẽ vùng răng miệng sạch sẽ trước khi tiến hành phẫu thuật. Tiếp đến, bác sĩ sẽ tiến hành gây tê cục bộ giúp làm tê liệt khu vực xung quanh răng được nhổ. Vì lý do đó mà bệnh nhân thường sẽ không cảm thấy đau trong suốt quá trình nhổ.
3.3 Tiến hành phẫu thuật nhổ bỏ
3.3.1 Răng mọc thẳng hoặc lệch 45 độ
Răng mọc thẳng trong trường hợp bệnh nhân cần phải nhổ để làm dịch vụ niềng răng cũng là một trong các ca nhổ răng khôn phổ biến. Đối với trường hợp răng mọc thẳng và 45 độ thì khá dễ dàng để xử lý và không cần nhiều thao tác phức tạp vì có thể nhổ theo phương pháp thông thường.
3.3.2 Răng mọc lệch 90 độ (nằm ngang trong xương hàm)
Bác sĩ sẽ tiến hành rạch mở lợi để lộ thân răng nhằm tạo thuận lợi cho các thao tác cắt xương, chia chân răng. Sau đó, bác sĩ sẽ giải phóng phần răng kẹt phía xa và phía ngoài bằng mũi khoan tròn và tiếp tục cắt đôi thân răng thật khéo léo nhằm tránh ảnh hưởng đến răng số 7. Tiếp đến bẩy sẽ được sử dụng để tách phần thân răng và lấy lên trước. Phần còn lại của thân răng sẽ được đánh giá, nếu phức tạp sẽ dùng mũi khoan trụ để chia tách và lấy từng chân.
3.3.3 Răng khôn mọc ngầm
Trong trường hợp răng khôn mọc ở vị trí này thì răng sẽ có xu hướng bị xương và nướu che phủ. Để thao tác với kiểu răng này, các bác sĩ sẽ cẩn thận lật vạt, mở cửa sổ xương để làm lộ ra răng số 8. Sau đó, răng khôn sẽ được chia thành nhiều thành phần nhỏ và được lấy ra từng phần.